Thông thường, bệnh thoát vị đĩa đệm sẽ được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn không phẫu thuật. Tuy nhiên, ở các trường hợp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả trong vòng 4 – 6 tuần thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện mổ thoát vị đĩa đệm.
Phẫu thuật được thực hiện với mục đích làm giảm áp lực lên các đĩa đệm bị thoát vị. Đồng thời giải phóng các dây thần kinh cột sống đang bị đĩa đệm chèn ép. Từ đó khắc phục triệu chứng và cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
Trong một số trường hợp, sau khi đã mổ thoát vị đĩa đệm xong người bệnh vẫn bị đau. Đây là tình trạng khá phổ biến xuất phát từ nhiều nguyên do. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:
1. Tổn thương chưa hoàn toàn hồi phục
Sau khi phẫu thuật được thực hiện xong, các tổn thương cần một thời gian để hồi phục trở lại. Trong đó có cả các tổn thương mô mềm ở vết mổ. Cơn đau xuất hiện sau khi mổ thoát vị đĩa đệm khoảng 2 – 3 tuần có thể là hoàn toàn bình thường.
Thực tế cho thấy, tổn thương sau mổ phải cần đến 1 – 2 tháng để bớt sưng nề. Và các rễ dây thần kinh bị chèn ép sẽ phục hồi dần trong thời gian khá dài. Đôi khi cần đến 4 – 6 tháng. Cơn đau xuất hiện sau mổ trong trường hợp này có thể là do các tổn thương chưa hoàn toàn hồi phục.
2. Hội chứng thất bại sau mổ thoát vị đĩa đệm
Hội chứng thất bại sau mổ thoát vị đĩa đệm đề cập đến tình trạng đau nhức còn xuất hiện sau khi đã thực hiện phẫu thuật. Ước tính khoảng 4 – 10% các trường hợp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm gặp phải hội chứng này.
Có nhiều yếu tố gây ra hội chứng thất bại sau mổ thoát vị đĩa đệm. Điển hình như đĩa đệm còn sót lại sau mổ, mô xơ sẹo sau mổ, mất vững cột sống, thần kinh bị tổn thương… Ngoài gây đau nhức thì người bệnh có thể gặp phải các bệnh lý toàn thân đi kèm. Điển hình như bệnh lý thần kinh ngoại biên, tiểu đường, bệnh tự miễn…
3. Bệnh thoát vị đĩa đệm tái phát sau mổ
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có mục đích là lấy đi khối thoát vị để giải phóng sự chèn ép vào rễ dây thần kinh hoặc tủy. Điều này giúp cho người bệnh khắc phục được triệu chứng và cải thiện chức năng vận động. Tuy nhiên, phẫu thuật không đồng nghĩa với vấn đề không bị tái phát bệnh thoát vị đĩa đệm trong tương lai.
Thực tế cho thấy, có khoảng 5 – 15% bệnh nhân bị tái phát sau khoảng 6 tháng kể từ khi mổ thoát vị đĩa đệm. Mức độ tái phát phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của lần mổ trước cùng với chế độ chăm sóc. Cơn đau bùng phát sau khi đã từng mổ thoát vị đĩa đệm có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tái phát.
4. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân nêu trên thì sự kích hoạt của tình trạng mổ thoát vị đĩa đệm xong vẫn đau có thể liên quan đến một số yếu tố khác. Bao gồm:
– Sai tư thế:
Thường xuyên làm việc và sinh hoạt không đúng tư thế ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe xương khớp nói chung và chức năng cột sống nói riêng. Nhất là ở những người sau mổ thoát vị đĩa đệm, nếu không thực hành các tư thế đúng thì sẽ gây cản trở rất nhiều cho quá trình hồi phục. Ngoài làm phát sinh cơn đau thì còn tăng nguy cơ tái phát bệnh sau phẫu thuật.
– Mang vác nặng:
Mang vác nặng là điều cấm kỵ đối với những người từng trải qua phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Ngay cả khi các tổn thương đã được hồi phục hoàn toàn thì bạn cũng không nên mang vác nặng. Bởi lúc này, chức năng của cột sống sẽ không lấy lại được sự khỏe mạnh vốn có. Nếu phải chịu tác động vật lý và cơ học mạnh thì sự khởi phát cơn đau là rất khó tránh khỏi.
– Tuổi tác:
Tuổi tác là một rào cản lớn cho hiệu quả của các cuộc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Tuổi càng cao thì nguy cơ gặp phải các vấn đề rủi ro cả trong và hậu phẫu càng nhiều. Người lớn tuổi vẫn bị đau sau khi mổ thoát vị đĩa đệm là tình trạng khá thường gặp. Có thể là do phẫu thuật thất bại hoặc bệnh tái phát trở lại.
5. Phải làm gì nếu cơn đau không cải thiện?
Người bệnh cần chú ý nếu sau khi mổ thoát vị đĩa đệm xong vẫn bị đau. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể là bình thường và không cần can thiệp điều trị y tế. Nhất là ở giai đoạn tổn thương chưa được hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp, cơn đau là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng cần được can thiệp điều trị y tế để tránh các hệ quả nguy hiểm. Đặc biệt là khi cơn đau báo hiệu hội chứng thất bại sau mổ thoát vị đĩa đệm hay cảnh báo bệnh tái phát trở lại. Lúc này, cần chủ động thăm khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị đúng đắn, kịp thời.