Viêm khớp là bệnh xương khớp phổ biến. Trong đó, vùng xương đầu gối do phải hoạt động nhiều, chịu nhiều lực tác động nên trở thành vị trí dễ tổn thương. Bệnh viêm khớp gối gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đi lại và các hoạt động thường ngày.
1. Viêm khớp gối là gì?
Khớp gối là nơi tiếp giáp của ba xương chính, gồm: xương đùi, xương bánh chè và xương ống chân. Giữa các đầu xương có một lớp sụn bao phủ. Sụn là một dạng mô trơn có bề mặt mịn, dễ trượt, giúp các khớp cử động trơn tru, đồng thời giữ vai trò như chất đệm ở khớp xương. Tại đây còn tồn tại mô hoạt dịch trải dài trên khớp, sản sinh dung dịch bôi trơn khớp (còn gọi là chất nhờn) và cung cấp dưỡng chất cho sụn.
Viêm khớp gối là tình trạng phần xương sụn trơn bị mòn đi, trở nên xù xì và thô ráp. Khi đó, các khớp xương sẽ cọ xát vào nhau chặt hơn, ma sát nhiều, việc hấp thụ các chấn động ở sụn khớp giảm đi, gây đau và vận động khó khăn.
2. Các giai đoạn viêm khớp gối
Khớp gối bị viêm thường diễn biến âm thầm, phát triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn sớm: Kết quả X-quang cho thấy những đốt gai nhỏ xuất hiện ở vùng gối, sụn có tổn thương nhẹ.
- Giai đoạn nhẹ: Khớp gối phát triển nhiều gai hơn, lớp sụn chen giữa xương mỏng dần. Triệu chứng bắt đầu được nhận thấy rõ nhưng chỉ thoáng qua khiến người bệnh thường chủ quan.
- Giai đoạn giữa: Khoảng cách đầu xương hẹp lại, sụn tổn hại nặng có thể nhìn rõ qua X-quang. Ở giai đoạn này người bệnh cảm thấy đau và khó khăn trong vận động hàng ngày.
- Giai đoạn nặng: Khoảng cách khớp giữa các xương rất hẹp, xương chồng lên xương, sụn bị vỡ nhiều hoặc mất đi hoàn toàn, dịch còn rất ít. Một số trường hợp nặng, xương còn bị biến dạng.
3. Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp gối
Tùy vào dạng bệnh viêm khớp đầu gối mà nguyên nhân gây ra có thể khác nhau, đôi khi là do chấn thương hoặc tình trạng tự nhiên khi các khớp dần thoái hóa. Thực tế bệnh viêm khớp ảnh hưởng rất nhiều bởi tuổi tác, hầu hết mọi người ở độ tuổi trung niên sẽ gặp những vấn đề nhất định liên quan đến xương khớp, trong đó có viêm khớp gối.
Hơn nữa khi già đi, khả năng tự phục hồi khi tổn thương giảm đi, khiến bệnh viêm khớp gối trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nhiều nguyên nhân có thể khiến viêm khớp gối xuất hiện sớm hơn như:
Giới tính
Phụ nữ là đối tượng nguy cơ cao hơn mắc viêm xương đầu gối so với nam giới, đặc biệt là phụ nữ trên 55 tuổi.
Cân nặng
Trọng lượng cơ thể càng lớn thì áp lực lên các khớp xương càng cao, đặc biệt là khớp đầu gối nơi trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động của cơ thể. Trung bình, cứ tăng khoảng 1kg cân nặng thì khớp đầu gối phải chịu trọng lượng cao hơn khoảng 1,3 – 1,8 kg.
Yếu tố di truyền
Một số đột biến di truyền được phát hiện liên quan đến bệnh viêm khớp gối, những đột biến này thường liên quan đến hình dạng xương bao quanh khớp gối bất thường.
4. Đối tượng dễ mắc viêm khớp gối
Những người có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối như:
- Người lớn tuổi, từ 60 tuổi trở lên.
- Người làm công việc sử dụng chân nhiều, thường xuyên đứng lâu (trên 2 giờ/ngày), mang vác đồ nặng, gấp/duỗi gối và đi nhiều (hơn 3km/ngày).
- Người thừa cân, béo phì, ít vận động.
- Người có tiền sử gia đình bị viêm khớp gối.
- Người thường xuyên bị stress. Vì khi căng thẳng kéo dài, cơ thể sẽ liên tục sản sinh hóa chất gây căng thẳng thần kinh, phân hủy hệ thống miễn dịch, khiến nguy cơ viêm khớp hay đau khớp tăng cao.
- Những vận động viên từng bị chấn thương gối như vỡ xương, vỡ sụn khớp, trật khớp xương bánh chè…
5. Phương pháp điều trị viêm khớp gối
Mục tiêu của điều trị viêm khớp gối là giảm đau, giúp người bệnh hoạt động dễ dàng. Phương pháp điều trị sẽ gồm:
- Giảm cân ở mức phù hợp với thể trạng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể cơn đau đầu gối từ viêm xương khớp;
- Thường xuyên tập thể dục giúp tăng cường những cơ bắp quanh đầu gối, giúp khớp ổn định và giảm đau.
- Sử dụng các loại thuốc kháng viêm kết hợp với một số loại thuốc giảm đau trong trường hợp cơn đau xuất hiện dày đặc, gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Một số trường hợp phản ứng viêm cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm trực tiếp thuốc cortisone vào vùng khớp gối, giúp hạn chế quá trình viêm và giảm nhanh các triệu chứng đau nhức.
- Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả cho phần lớn những bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ nghiêm túc theo đúng phác đồ điều trị. Phương pháp này thường được kết hợp với việc dùng thuốc để mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.
- Khi bệnh chuyển nặng, các phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng nữa, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật để duy trì khả năng hoạt động của khớp gối. Các loại hình phẫu thuật thường được thực hiện để điều trị viêm khớp gối như phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, phẫu thuật loại bỏ xương khớp gối và phẫu thuật nội soi.
6. Phòng ngừa viêm khớp gối
Viêm khớp gối là căn bệnh phổ biến, không chừa một ai. Mỗi chúng ta cần chủ động phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống, ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh như:
- Kiểm soát cân nặng ổn định, tránh tăng cân nhiều với tốc độ nhanh.
- Không mang vác vật nặng.
- Bổ sung các dưỡng chất và vitamin tốt cho sức khỏe khớp gối.
- Tư thế đúng trong sinh hoạt và lao động.
- Tập thể dục điều độ, không tập luyện với cường độ quá mạnh.
- Sử dụng thực phẩm chức năng bảo vệ xương khớp.
Viêm khớp gối nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng sau này. Chính vì vậy, nếu xuất hiện những dấu hiệu viêm khớp gối bạn nên đến gặp bác sĩ sớm đồng thời tiếp cận đúng phương pháp điều trị để chữa dứt điểm bệnh cũng như tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc.
Đặt lịch thăm khám TẠI ĐÂY