Cột sống là bộ phận vô cùng quan trọng có chức năng là trụ cột để chống đỡ sức nặng của trọng lượng cơ thể. Vì một vài nguyên nhân nào đó làm thay đổi cấu trúc cột sống sẽ dẫn đến những bệnh lý cột sống, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

1. Các bệnh lý cột sống thường gặp

1.1. Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra ngoài, chèn ép dây thần kinh hoặc ống sống, gây ra các cơn đau từ âm ỉ cho đến dữ dội. Nghiêm trọng hơn, cơn đau có thể lan ra những vùng xung quanh, kèm theo tê buốt và hạn chế khả năng vận động của người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị | Vinmec

1.2. Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống là tình trạng viêm xương khớp, làm cho các sụn khớp tại cột sống, xương bị thoái hóa và suy yếu dần, không còn sự kết nối, vững chắc như trước. Đây là một căn bệnh mãn tính; có thể xảy ra ở vùng cột sống cổ, cột sống ngực hay ở cột sống thắt lưng.

Về lâu dài, bệnh thoái hóa cột sống có thể làm xuất hiện gai xương, khiến dây thần kinh, ống sống bị chèn ép và dẫn đến các cơn đau nhức khó chịu.

1.3. Chấn thương cột sống

Những chấn thương cột sống như té ngã đột ngột, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chấn thương do chơi thể thao đều có tác động mạnh lên cột sống, làm gãy xương cột sống, xẹp lún đốt sống hoặc tổn thương dây chằng, dẫn đến đau cột sống lưng trên.

1.4. Cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị lệch sang một bên hoặc xoay phức tạp. Bệnh lý này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, gây đau nhức vùng lưng, tê yếu chân, ảnh hưởng đến dáng đi hay thậm chí khiến chức năng ở ruột và bàng quang bị xáo trộn.

Cong vẹo cột sống có các dạng như: Vẹo cột sống ngực, vẹo cột sống thắt lưng, vẹo cột sống ngực – thắt lưng và vẹo cột sống kết hợp.

Cong vẹo cột sống là gì, triệu chứng, cách chẩn đoán và chữa trị

1.5. Hẹp ống sống

Khi các sụn khớp bị thoái hóa có thể hình thành nên gai xương, làm chèn ép dây thần kinh và thu hẹp không gian bên trong ống sống, dẫn đến tình trạng đau nhức, tê yếu cơ hoặc ngứa ran.

Hai loại hẹp ống sống thường gặp gồm hẹp ống sống cổ và hẹp ống sống ở thắt lưng. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như yếu hai tay, liệt tứ chi… nếu người bệnh không điều trị kịp thời.

1.6. Đau lưng cơ năng

Đau lưng cơ năng là một bệnh cột sống thường gặp, xảy ra khi các nhóm cơ vùng cột sống bị lực tác động mạnh, dẫn đến bị tổn thương hoặc chèn ép. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do lao động nặng hoặc ngồi sai tư thế trong thời gian dài.

Khi bị đau lưng cơ năng, người bệnh sẽ xuất hiện các cơn đau nhức dữ dội ở vùng lưng, cường độ đau sẽ tăng lên khi người bệnh cố sức làm việc hoặc vận động. Chính vì vậy, tình trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

1.7. Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là bệnh lý có biểu hiện đặc trưng là cảm giác đau, tê buốt dọc từ thắt lưng lan xuống mặt ngoài đùi, mặt trước cẳng chân rồi đến ngón chân (đường đi của dây thần kinh tọa).

Đau thần kinh tọa có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp cột sống gây chèn ép vào dây thần kinh; từ đó dẫn đến tình trạng viêm đau, tê chân.

Sau tuổi 30, đề phòng đau thần kinh tọa

1.8. Viêm khớp

Một trong các bệnh về cột sống thường gặp khác là viêm khớp với biểu hiện là các nốt sưng viêm xuất hiện ở sụn khớp, làm thu hẹp không gian của tủy sống, gây biến dạng hoặc đẩy xương khớp ra khỏi vị trí ban đầu. Người bị viêm khớp sẽ cảm thấy đau nhức xương khớp, có tiếng lạo xạo khi vận động, khó khăn trong di chuyển và có thể kèm theo sốt, ngứa, khó thở,…

2. Chẩn đoán các bệnh lý cột sống

Để chẩn đoán các bệnh thường gặp ở cột sống, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, tìm hiểu nghuyên nhân, hoàn cảnh khởi phát và quan sát cột sống, thực hiện một số nghiệm pháp giúp đánh giá đặc điểm tình trạng đau lưng. Bên cạnh đó, một số chỉ định về hình ảnh học có thể hỗ trợ việc chẩn đoán, nhất là khi đau lưng xuất hiện sau chấn thương hay người bệnh đã phải chịu đựng cơn đau sau một thời gian dài mà không đáp ứng điều trị nâng đỡ thông thường. Trong đó, chụp X-quang là phương tiện phổ biến nhất để đánh giá nhanh chóng và cơ bản về cấu trúc các phần cứng như xương đốt sống, cũng như tình trạng hẹp lỗ liên hợp. Một số trường hợp cần chụp CT cột sống để khảo sát sâu hơn về cấu trúc xương cột sống (như trong chẩn đoán lao cột sống, u cột sống…) . Để khảo sát các phần mềm như cơ, dây chằng, ống sống, tủy sống, rễ thần kinh, phải cần đến MRI cột sống.

Ngoài ra, trong trường hợp nghi ngờ khả năng thần kinh bị chèn ép, chỉ định đo điện cơ sẽ được thực hiện nhằm phát hiện bất thường nếu có do nguyên nhân này.

3. Phương pháp điều trị các bệnh lý cột sống

– Với những trường hợp đau lưng mức độ nhẹ như đau lưng cơ năng: Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi kết hợp vật lý trị liệu hay dùng thuốc hỗ trợ như giảm đau, giãn cơ là bệnh có thể tự khỏi sau ít ngày.

– Với những trường hợp nặng như chấn thương, thoái hóa cột sống người bệnh cần phải đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều trị thích hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *