Hội chứng ống cổ tay là tình trạng đau, tê bì, hoặc yếu nhiều ngón tay và bàn tay, do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở ống cổ tay. Mà nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này chính là việc chuyển động lặp đi lặp lại ở cổ tay như gõ bàn phím, uốn cong hay gập duỗi quá mức.
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay xảy ra do các bất thường trong giải phẫu ống cổ tay. Đây là một đường hầm nhỏ nhằm bảo vệ dây thần kinh giữa, bề rộng khoảng 2,5cm (tương đương 1 inch). Mặt nền và hai bên thành của đường hầm là các xương cổ tay. Mái của đường hầm được che phủ bởi một dải mô liên kết chặt chẽ gọi là dây chằng ngang. Đi trong ống cổ tay có dây thần kinh giữa và các gân gấp các ngón tay lên bám vào cẳng tay. Vì các cấu trúc đi qua ống cổ tay là cố định, đường hầm ống cổ tay tương đối chật hẹp và có rất ít khả năng thay đổi kích thước. Trong khi đó, dây thần kinh giữa lại mềm nhất, nằm nông nhất nên dễ bị tổn thương do chèn ép nhất.
Dây thần kinh giữa là một trong những dây thần kinh chính ở bàn tay. Đây là sợi ngoại biên bắt nguồn từ nhóm rễ thần kinh ở tủy cổ. Dây thần kinh giữa đi xuống cánh tay và cẳng tay, chui qua đường hầm ống cổ tay và đi vào bàn tay.
Chức năng của dây thần kinh giữa là cảm nhận cảm giác ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1 nửa ngón đeo nhẫn. Đồng thời, dây thần kinh giữa cũng chịu trách nhiệm vận động cho các cơ xung quanh gốc ngón tay cái. Khi bị chèn ép, các chức năng của thần kinh giữa bị hạn chế, biểu hiện ra các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
2. Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Các dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay thường khó nhận biết do chúng khởi phát chậm mà không có chấn thương cụ thể nào xảy ra trước đó. Đôi khi, triệu chứng xuất hiện vào ban đêm khi người bệnh ngủ với cổ tay bị cong, gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
Một số triệu chứng phổ biến có thể kể đến như:
- Tê bì tay vào ban đêm.
- Ngứa ran, đau nhức chủ yếu ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa.
- Mất khả năng nhận thức ở các đầu ngón tay.
- Cảm giác ngứa ran có thể di chuyển lên cẳng tay về phía vai.
Khi hội chứng ống cổ tay nặng hơn, các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn:
- Đau cơ và chuột rút nhiều hơn.
- Tay yếu, ít lực cầm nắm khiến bạn khó thực hiện các động tác bình thường như viết, cài cúc áo, gõ bàn phím, sử dụng điện thoại…
- Phản ứng xung thần kinh chậm hơn hoặc mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.
3. Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay
Đối tượng dễ mắc bệnh ống cổ tay là phụ nữ ở tuổi trung niên, phần lớn do nguyên nhân vô căn (chiếm 70%), số còn lại có thể do các nguyên nhân nội sinh hoặc ngoại sinh. (2)
3.1. Nguyên nhân vô căn
Khoảng 70% các bệnh nhân mắc bệnh không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Có thế có hiện tượng viêm bao hoạt dịch, tăng áp lực khoảng gian bào trong ống cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa. Thực tế thấy các triệu chứng giảm đi khi dùng thuốc chống viêm đường uống hoặc tiêm vào ống cổ tay.
3.2. Các nguyên nhân ngoại sinh
- Biến dạng khớp và các chấn thương vùng cổ tay: Gãy đầu dưới xương quay, gãy xương cổ tay, khớp giả xương thuyền, bán trật xoay xương thuyền, trật xương nguyệt, viêm khớp cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa trong ống cổ tay
- Hemophilia, bệnh u tủy
- Các loại u: U tế bào khổng lồ xương và bao gân, u máu, nang hoạt dịch, u hạt tophy… gây lấn chỗ ống cổ tay và dẫn đến chèn ép thần kinh giữa
3.3. Các nguyên nhân nội sinh
- Ứ dịch lúc mang thai: Trong thai kỳ, sự ứ đọng dịch làm tăng lượng dịch trong ống cổ tay, dẫn đến tăng áp lực kẽ trong ống cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa.
- Bệnh gout: Do sự lắng đọng tinh thể urat trong gân gấp gây phì đại gân, hoặc tình trạng viêm phì đại bao gân gấp do gout cũng gây ra chèn ép thần kinh giữa.
- Suy giáp: Nguyên nhân là do sự tích tụ Myxedemateous mô trong dây chằng cổ tay ngang.
- Viêm khớp dạng thấp: Gây ra viêm bao gân/màng hoạt dịch dẫn đến phù nề và ứ dịch trong bao gân gấp.
- Chạy thận nhân tạo định kỳ: Bệnh thần kinh ngoại biên thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn có liên quan tới tăng ure máu.
4. Yếu tố nguy cơ của hội chứng ống cổ tay
Đa số các bệnh nhân đều nhận biết được các biểu hiện của hội chứng ống cổ tay khi làm một số việc thông thường trong đời sống hằng ngày. Cụ thể là các công việc liên quan đến việc lặp lại cùng một chuyển động với cổ tay trong một thời gian dài. Những công việc đó có thể là:
- Công nhân dây chuyền lắp ráp;
- Tài xế lái xe;
- Thợ thủ công;
- Thợ làm bánh;
- Thợ cắt tóc;
- Thu ngân;
- Thư ký, đánh máy;
- Nhạc công.
Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học vẫn chưa rõ ràng và còn nhiều mâu thuẫn về việc những yếu tố này là yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân trực tiếp của hội chứng ống cổ tay.
Ngay khi có cảm giác ngứa ran, đau hoặc tê ở ngón tay, hội chứng ống cổ tay là điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến. Nắm được các thông tin như trên không chỉ giúp bạn nhận biết bệnh sớm, mà còn định hướng cho bạn tìm kiếm trợ giúp y khoa phù hợp; đồng thời, cần điều chỉnh các hoạt động hằng ngày để cải thiện những triệu chứng khó chịu này.
Để được thăm khám cũng như tư vấn phác đồ điều trị hội chứng ống cổ tay, liên hệ ngay hotline 0961.633.310.